DAMMIO.COM – Thương mại điện tử B2C ở Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á, với chỉ số CAGR (tốc độ tăng trưởng hàng năm kép) từ năm 2013 đến 2017 là 32.3%, với khối lượng khoảng 5.5 tỉ EUR vào năm 2017. Thị trường Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh với CARG khoảng 14% vào giai đoạn 2017 đến 2020, chiếm khoảng 5.2% tổng doanh số bán lẻ.

Sự chuyển đổi từ hình thức bán lẻ truyền thống sang việc kinh doanh trực tuyến dường như là một xu hướng không thể tránh khỏi mặc dù thị phần thương mại điện tử ở Việt Nam còn tương đối nhỏ so với các nước ở khu vực và trên thế giới. Hai điểm lợi thế nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam là có tỉ lệ thâm nhập smartphone cao và lượng dân số trẻ am hiểu kỹ thuật số, gồm thế hệ Millennial (sinh giữa năm 1981 và 1996) và thế hệ Z (sinh giữa năm 1997 và 2010). Nhận thức được nhiều cơ hội tiềm năng ở Việt Nam, nhiều công ty trong và ngoài nước đã nhanh chóng đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử để tối đa hóa lợi ích tiếp cận sớm. Do đó, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được chúng tôi đánh giá là năng động, mang tính cạnh tranh cao và không có bất cứ doanh nghiệp có thể hoàn toàn chiếm lĩnh được thị trường.
Các dạng website B2C
Theo nghị định 52/2013/ND-CP, hình thức E-Commerce ở Việt Nam được phân chia thành 4 dạng chính đó là:
- Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
- Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Sàn giao dịch thương mại điện tử trong Nghị định này không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.
- Website khuyến mại trực tuyến là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại.
- Website đấu giá trực tuyến là website thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.
Theo báo cáo của VECITA, năm 2017 Việt Nam có tổng cộng 14305 website B2C, trong đó số lượng website thương mại điện tử chiếm hơn 94% được xem là đại diện cho phần lớn các hoạt động thương mại online. Trong khi đó các website đấu giá trực tuyến và khuyến mại trực tuyến lại chiếm tỉ trọng rất nhỏ, gần như không có vai trò gì nhiều ở thị trường Việt Nam.

Số lượng các website thương mại B2C đã đăng ký theo dạng năm 2016-2017. Theo số liệu từ VECITA.
Phương tiện bán hàng
Người tiêu dùng có thói quen mua sắm nhiều nhất thông qua các kênh bán hàng trên mạng xã hội Facebook vì mạng lưới này chứa đến 59 triệu người dùng đến từ Việt Nam theo thống kê của Stalista vào tháng 07 năm 2018. Với lượng người tiếp cận hàng hóa đông đảo, không có gì quá ngạc nhiên khi Facebook là nơi chiếm đến 66% sự ưa thích của người dùng. Mua bán qua ứng dụng mobile (Zalo và các app bán hàng) cũng dần thu hút được khách hàng và trở thành xu hướng mới nổi lên ngày càng mạnh mẽ.
Thanh toán điện tử
So sánh với toàn cảnh ngành công nghiệp thương mại điện tử ở Việt Nam, khâu thanh toán điện tử lại là điểm yếu nhất và tụt hậu khá xa so với các thành phần bộ phận khác. Việc sử dụng thẻ tín dụng (Visa, American Express) trong thanh toán trực tuyến ở mức thấp bất chấp nỗ lực phát hành thẻ và thu hút người dùng mới nhiều năm qua của hàng loạt ngân hàng trong nước. Hơn nữa, một điều đáng lo ngại là tỉ lệ người tiêu dùng trả bằng tiền mặt và chuyển khoản ngân hàng (online, thủ công) lại chỉ có xu hướng giảm nhẹ. Nếu xét về khái niệm thương mại điện tử tại Wikipedia: “…thương mại điện tử chỉ xảy ra trong môi trường kinh doanh mạng Internet và các phương tiện điện tử giữa các nhóm (cá nhân) với nhau thông qua các công cụ, kỹ thuật và công nghệ điện tử.” thì rõ ràng thương mại điện tử ở Việt Nam chưa thật sự hoàn chỉnh, nếu xét về chu trình giao dịch.

Một khách hàng có thể đặt mua hàng trên mạng nhưng lại trả tiền mặt cho mặt hàng đó trực tiếp ở ngoài đời. Kiểu một nửa công nghệ, một nửa thủ công này có thể là rào cản lớn cho bước tiến của thương mại điện tử ở Việt Nam. Vậy điều mà khách hàng này lo ngại là gì? Vấn đề chính vẫn là niềm tin về chất lượng sản phẩm cũng như chính sách đổi trả của doanh nghiệp bán hàng. Tâm lý khách hàng là cần phải cầm, nắm, thử món hàng, nếu nó đạt chất lượng thì người ta sẽ mua. Nếu không, tất nhiên khách hàng sẽ không mua và cũng không lo ngại mất tiền. Thử tượng tưởng, bạn đã trả tiền trên mạng cho món hàng mình mua, và chỉ vài ngày đã được giao hàng, tuy nhiên để đổi trả món hàng không ưng ý và muốn lấy tiền lại thì thời gian có thể mất hàng tuần, thậm chí vài tháng. Đây là điểm yếu thứ hai của thương mại điện tử Việt Nam, niềm tin khách hàng về chất lượng sản phẩm và chính sách đổi trả của doanh nghiệp B2C.

Bên cạnh đó, mặc dù số lượng trò chơi trực tuyến và game thủ Việt Nam đông đảo, tuy nhiên dường như người dùng lại không mấy “mặn mà” trong việc thanh toán qua ví điện tử và thẻ game/mobile.
Vận chuyển/hậu cần
Khâu vận chuyển và hậu cần cũng là một thách thức thường xuyên với ngành thương mại điện tử do thời gian vận chuyển chậm (chuyển hàng từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh có thể mất vài ngày) và sự ưa thích thanh toán bằng tiền mặt (cash on delivery – COD). Sự kết hợp giữa tốc độ bùng nổ thương mại điện tử và hạ tầng hậu cần chưa phát triển đã thúc đẩy nhiều công ty đầu tư vào lĩnh vực này, dẫn đến dự báo chỉ số tăng trưởng CARG rất ấn tượng là 42% trong giai đoạn 2018 đến năm 2022.

Mỏ vàng thương mại điện tử tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt ở mảng vận chuyển với hơn 50 nhà cung cấp tính đến năm 2017, từ các dịch vụ chuyển phát nhanh truyền thống (Viettel, EMS và VNPost) cho đến các start-up (giaohangnhanh, supership, and giaohangtietkiem) và cả các đối thủ quốc tế (DHL eCommerce, Grab Express, and Lazada Express).
Do COD là hình thức thanh toán ưa chuộng của người tiêu dùng Việt Nam, điều quan trọng đầu tiên là các doanh nghiệp bán hàng phải xây dựng được mạng lưới giao hàng nhanh chóng và đáng tin cậy. Trong khi các công ty lớn thông thường thiết lập một kênh phân phối và giao sản phẩm riêng (ví dụ như Lazada Express của Lazada), phần lớn các doanh nghiệp đều dựa vào các dịch vụ của bên thứ ba để giảm thiểu chi phí hoạt động. Tuy nhiên, điều này lại khiến người dùng không tin tưởng, đánh giá thấp chính sách giao và trả hàng của các doanh nghiệp này nếu xảy ra các sự cố.
Danh sách 10 website B2C dẫn đầu thị trường

Dựa theo số liệu ở bảng trên, có đến 8 website thương mại điện tử là các công ty trong nước. Tuy nhiên, vị trí dẫn đầu lại thuộc về Lazada, một tập đoàn quốc tế khổng lồ có trụ sở làm ăn ở nhiều quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Theo iPrice, Lazada chỉ chiếm 19% tổng lượng visit đến các trang thương mại điện tử ở Việt Nam, so với 40% ở các quốc gia khác. Rõ ràng chưa có bất cứ doanh nghiệp nào có thể chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường, vì vậy cuộc tranh cạnh giành thị phần thương mại điện tử Việt Nam theo chúng tôi là sẽ rất khốc liệt trong tương lai. Chẳng hạn, vào tháng 06/2017, Alibaba đầu tư hơn 1.62 tỉ EUR vào Lazada Group ở Đông Nam Á. Ngay lập tức, Tiki.vn cũng nhận sự đầu tư khoảng 57.51 triệu từ tập đoàn VNG (Việt Nam), Tencent (Trung Quốc) và STIC (Hàn Quốc). Mặc dù chen chân muộn, Shopee lại nhanh chóng thiết lập vị trí khá vững chắc trên bảng tổng sắp do có sự chống lưng của Forrest Li, một nhà sáng lập và cổ đông lớn của tập đoàn SEA (trước là Garena) với lợi nhuận kiếm được năm 2018 từ 780 đến 820 triệu USD.
Tham khảo
Các nguồn tham khảo chính: EBVN, Stalista và VECITA.
Vui lòng trích dẫn lại nguồn website DAMMIO.COM nếu tái sử dụng lại nội dung bài viết này.