Bảng xếp hạng SCImago (nghiên cứu khoa học) theo quốc gia trong giai đoạn 1996-2018 có tham gia của 239 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình khá trên thế giới và xếp sau một số nước ở khu vực Đông Nam Á.
Xếp hạng SCImago (hay còn gọi là chỉ số SJR) là một thước đo về mức độ ảnh hưởng khoa học theo quốc gia theo nhiều tiêu chí như số lượng bài báo khoa học, số bài báo được trích dẫn, số lượng trích dẫn, số trích dẫn tự trích dẫn, tỉ lệ trích dẫn trên mỗi bài báo và chỉ số h-index. Đối với các tạp chí, có hai chỉ số thường được áp dụng: PSJR (Prestige SJR) là thang đo phản ánh độ uy tín phụ thuộc vào quy mô của từng tạp chí và chỉ số SJR là thang đo độ uy tín được bình thường hóa và độc lập với quy mô. Chỉ số SJR của một tạp chí càng lớn phản ánh mức độ ảnh hưởng và độ uy tín của tạp chí đó với nghiên cứu khoa học.
Xét về số lượng bài báo khoa học, Việt Nam có 51,748 bài báo và đứng thứ 59 trên thế giới. Số lượng nghiên cứu bài báo của Việt Nam khá khiêm tốn so với nước dẫn đầu là Hoa Kỳ với khoảng 12 triệu bài báo (12.070.144) và chỉ bằng xấp xỉ 0.42%. Thậm chí Việt Nam còn thua nhiều quốc gia khác trong Đông Nam Á như Singapore (xếp hạng 32, 292.560 bài báo), Malaysia (xếp hạng 34, 286.411 bài báo), Thái Lan (xếp hạng 44, 178.133 bài báo), Indonesia (xếp hạng 48, 110.610 bài báo). Như vậy tính theo tiêu chí này, có lẽ chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Giáo dục nói riêng cần có nhiều biện pháp và chương trình nhằm thúc đẩy và hỗ trợ kinh phí để tạo điều kiện các giáo viên, giảng viên, sinh viên,… tham gia nghiên cứu khoa học.
Xét về số lượng trích dẫn từ các bài báo khoa học, Việt Nam có 527.419 trích dẫn và số lượng tự trích dẫn là 80.349, chiếm khoảng 15%. Tỉ lệ này được coi là chấp nhận được vì nhiều nhà nghiên cứu khoa học có xu hướng tự trích dẫn chính bài báo của chính mình để tăng các chỉ số khoa học về bản thân. Tỉ lệ tự trích dẫn so với số lượng trích dẫn ở Trung Quốc chiếm đến hơn 50% phản ánh cho thấy số lượng tự trích dẫn không phản ánh hoàn toàn chính xác về khả năng nghiên cứu khoa học của từng nhà nghiên cứu cũng như ở quy mô quốc gia.
Xét về tiêu chí số lượng trích dẫn trên từng bài báo, Việt Nam có tỉ lệ 10.19, đứng thứ 170 trên thế giới. Đây là con số rất đáng báo động và cho thấy phần nào tầm ảnh hưởng nghiên cứu khoa học cũng như của Việt Nam không nhiều so với thế giới. Một bài báo khoa học có ít trích dẫn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: bài báo chất lượng thấp, không cạnh tranh so với các bài báo khác cùng chủ đề; bài báo hay nhưng chủ đề không thú vị, không có tính ứng dụng, hoặc rất ít học giả quan tâm đến chủ đề đó do quá hiếm hoặc mang tính quá chuyên sâu; tạp chí xuất bản không uy tín, chỉ số uy tín chưa cao, khả năng kết nối quảng bá tạp chí chưa tốt, ít có các quan hệ với các tổ chức nghiên cứu khoa học, trường đại học, giảng viên, sinh viên,… để giới thiệu và nâng cao số lượng độc giả cho tạp chí.
Chỉ số xét đến cuối cùng là chỉ số h-index, một trong những chỉ số đáng chú ý để đánh giá tác động nghiên cứu khoa học của từng cá nhân học giả. Chỉ số h-index dựa theo năng suất và tác động số lượng trích dẫn của các bài báo để đánh giá một nhà nghiên cứu hoặc học giả. Xét ở quy mô quốc gia, h-index của Việt Nam là 198 trong giai đoạn 1996-2018, đứng thứ 62 trên thế giới. Trong khi đó 3 nước dẫn đầu là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đức với chỉ số này lần lượt là 2222, 1373 và 1203.
Như vậy, nếu dựa theo bảng xếp hạng SCImago thì có lẽ Việt Nam cần có nhiều điều phải làm trong thời gian tới. Chúng ta cần đề ra phương hướng, kế hoạch, mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và đồng thời giúp nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước.
- APA:
Dammio. (2019). Các chỉ số nghiên cứu khoa học ở Việt Nam giai đoạn 1996-2018. https://www.dammio.com/2019/10/15/cac-chi-so-nghien-cuu-khoa-hoc-o-viet-nam-giai-doan-1996-2018.
- BibTeX:
@misc{dammio,
author = {Dammio},
title = {Các chỉ số nghiên cứu khoa học ở Việt Nam giai đoạn 1996-2018},
year = {2019},
url = {https://www.dammio.com/2019/10/15/cac-chi-so-nghien-cuu-khoa-hoc-o-viet-nam-giai-doan-1996-2018},
urldate = {2025-01-17}
}