Virus máy tính là các đoạn chương trình được thiết kế để xen vào các hoạt động máy tính không hợp lệ và có khả năng tự nhân bản, lây nhiễm qua thiết bị vật lý (ổ cứng, USB, thẻ SD) hay qua mạng Internet (email, liên kết web).
Các lập trình viên chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư là người viết ra các chương trình virus để chứng tỏ năng lực bản thân, trêu đùa mọi người hoặc vì các mục đích thương mại như đánh cắp thông tin cá nhân, thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng và các tài khoản khác có liên quan đến tiền bạc. Một số virus nguy hiểm được tạo ra bởi các cơ quan an ninh ở các quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu chính trị, theo dõi người dùng, xâm nhập hay phá hoại hệ thống máy tính mật của các nước khác.
Theo thống kê của W3schools thì vào tháng 05 năm 2018, có đến 76% người dùng sử dụng hệ điều hành Windows. Như các bạn đã biết, phòng bệnh vẫn dễ hơn chữa bệnh. Do đó, bạn nên phòng tránh virus lây nhiễm vào máy tính Windows hơn là tìm kiếm cách thức tiêu diệt virus ở máy tính bị lây nhiễm. Bài viết này sẽ liệt kê các phương pháp phòng chống virus máy tính sử dụng hệ điều hành đơn giản mà hiệu quả.
Virus lây nhiễm vào máy tính như thế nào?
Lây nhiễm qua thiết bị lưu trữ
Thiết bị lưu trữ có nhiều dạng khác nhau như ổ cứng, ổ cứng di động, USB, CD/DVD, thẻ nhớ SD/mini SD hay thậm chí đĩa mềm. Để lây lan virus, bạn chỉ cần sao chép virus từ các thiết bị này sang máy tính đang sử dụng và virus sẽ tự động thực thi đoạn mã, ăn sâu vào máy tính, nhân bản và tự lây nhiễm lên tất cả các thiết bị tiếp xúc với máy tính.
Hình thức lây nhiễm phổ biến chủ yếu đến từ USB và đa phần là lỗi vô tình hoặc người dùng không hề biết lây nhiễm từ đâu. Ví dụ, bạn cắm USB chứa virus của bạn bè để sao chép dữ liệu và vô tình bị virus lây vào máy tính. Sau đó, bạn lại cho người khác mượn USB để sử dụng và cứ thế hàng loạt máy tính bị lây nhiễm.
Lây nhiễm qua mạng Internet
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Internet giúp con người giao lưu với nhau, mở rộng kiến thức cũng như thỏa mãn thú vui giải trí. Bạn có thể nhận email chứa virus từ bạn bè mà chính bạn bè của bạn cũng không biết gửi khi nào, bạn mở email ra tải file virus đính kèm và mở ra. Chúc mừng, máy tính đã dính virus. Sau đó, con virus lại tiếp tục nhân bản, tự động gửi email chứa virus đến bạn bè khác của bạn trong danh bạ và cứ thế lây lan email diễn ra.
Một khía cạnh khác, bạn có thể vô tình nhấn vào các liên kết website chứa virus, hay tải xuống và sử dụng phần mềm không an toàn cũng là cách thức lây nhiễm virus qua mạng Internet.
Các phương pháp phòng chống lây nhiễm virus máy tính
Sử dụng chương trình bảo vệ USB
Như phần cách thức lây nhiễm, nếu bạn cắm USB hay bất cứ thiết bị dữ liệu vào máy tính thì bạn cần phải kiểm tra thiết bị đó. Vì cách kiểm tra chỉ dành cho dân máy tính chuyên nghiệp, cách tốt nhất là bạn nên xài một chương trình bảo vệ USB nào đó. Chương trình này sẽ tự động quét USB, dò và xóa các tập tin khả nghi, ví dụ như autorun.inf hay *.exe”, các tập tin rất hay bị các hacker khai thác.
Bạn có thể sử dụng một số chương trình như USB Disk Security (có thể tải trên mạng), Ninja Pendisk , Panda USB Vaccine để bảo vệ máy tính.
Mở USB bằng thanh panel trái File Explorer
Ngoài việc dùng chương trình bảo vệ USB, bạn nên dùng cách mở USB bằng chương trình File Explorer. Bạn có thể thực hiện việc này nhiều lần để tạo một thói quen tốt để bảo vệ máy tính.
Đầu tiên, bạn cắm USB vào máy tính, sau đó mở File Explorer bằng phím Windows + E hoặc bạn có thể chuột phải lên nút Start -> chọn File Explorer.
Tiếp theo ở thanh panel bên trái, chọn ổ đĩa USB bạn cần mở, nội dung USB sẽ hiển thị phía bên phải. Ví dụ trong hình dưới mở USB ở ổ đĩa H.
Lưu ý, tuyệt đối không mở USB bằng cách nhấp đôi chuột lên biểu tượng ổ đĩa USB vì theo cách này bạn sẽ tự động kích hoạt tập tin autorun.inf có thể chứa file virus.
Sử dụng trình duyệt Chrome
Nội dung trên Internet rất phong phú và đa dạng với hàng chục tỷ website khác nhau, vì vậy bạn không thể lúc nào cũng nhận diện được website nào chứa virus, website nào sạch. Thay vào đó, bạn hãy sử dụng trình duyệt Chrome. Với cơ chế tìm kiếm Google được hỗ trợ bởi hàng chục hệ thống máy chủ mạnh trên thế giới, Google dễ dàng dò tìm tất cả nội dung trên Internet và nhận diện các website không an toàn. Từ đó, tích hợp vào trình duyệt Chrome và cảnh báo người dùng.
Nếu tình cờ sử dụng Chrome, bạn thấy Chrome hiển thị cảnh báo “This site ahead contain harmful programs…” hoặc “Trang web lừa đảo phía trước…” dưới nền màu đỏ thì bạn tốt nhất là không truy cập website, hoặc cần thiết phải truy cập thì nên cẩn thận.
Sử dụng Adblock để khóa quảng cáo
Nếu bạn là tín đồ của phim truyện, phim đen (xxx), truyện tranh, truyện hình, hentai,… thì khi truy cập các trang web này bạn sẽ thấy rất nhiều quảng cáo che hết màn hình, hoặc kiểu popup làm bạn rất khó chịu. Một số quảng cáo có chứa nội dung lừa bạn tải phần mềm chứa virus vì vậy nếu vô tình cài đặt, máy bạn sẽ bị dính virus. Cách tốt nhất là khóa các quảng cáo đó là bằng các plugin khóa quảng cáo trên trình duyệt như Adblock Plus, uBlock Origin, uMatrix và Adaway. Bạn có thể cài đặt Adblock Plus ở Chrome như sau.
Đầu tiên, truy cập https://adblockplus.org/, sau đó nhấn nút “Agree and Install for Chrome” màu xanh.
Tiếp theo, hộp thoại Adblock Plus hiện ra, bạn chọn nút Add Extension để thêm vào plugin này vào Chrome.
Như vậy, Adblock sẽ tự động khóa quảng cáo ở tất cả các website, nếu bạn muốn mở website nào hiển thị quảng cáo thì mở ra, không thì khóa lại. Mặc dù Adblock không thể khóa hết được các quảng cáo, nhưng plugin này lại hạn chế phần lớn quảng cáo, giúp giảm thiểu rất nhiều nguy cơ bạn nhiễm virus.
Hạn chế click vào liên kết không đáng tin cậy
Nếu khi duyệt web hay mở email đọc, bạn thấy một số liên kết lừa đảo hoặc chứa đường dẫn dài, không rõ như http://www.abc.com/dsdf554gf.exe hoặc http://www.abc.com/12/fwdfdfdsf/fdsfs/ds1fsd.bat thì không nên nhấn vào.
Để an toàn, bạn có thể paste URL này kiểm tra tại VirusTotal xem đường dẫn an toàn hay không.
Không cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc
Tương tự phải kiểm tra đường dẫn liên kết website không tin cậy như trên, bạn muốn tải phần mềm về mà không chắc phần mềm này chứa virus hay không thì cũng nên dùng trang VirusTotal để kiểm tra liên kết tải về trước. Ngoài ra, nếu đã lỡ tải về, bạn có thể sử dụng các chương trình diệt virus như Kaspersky, AVG, Avast, Bit Defender, Sophos, Avira,… để kiểm tra xem có virus hay không. Tuy nhiên, website dammio.com không khuyến khích cách này vì cài đặt chương trình duyệt virus có thể khiến máy của bạn chạy chậm và tốn nhiều bộ nhớ.
Kết luận
Trên đây là các phương pháp chống lây nhiễm virus ở các máy tính sử dụng hệ điều hành Windows đơn giản mà bất kể người dùng nào cũng có thể tự làm được. Ngoài ra, bạn có thể dùng nhiều phương pháp khác nữa, bạn có thể tự tìm hiểu và đúc kết kinh nghiệm “diệt virus” của mình hơn nữa trên Internet.
- APA:
Dammio. (2018). Các phương pháp phòng chống virus máy tính Windows đơn giản và hiệu quả. https://www.dammio.com/2018/07/23/cac-phuong-phap-phong-chong-virus-may-tinh-windows-don-gian-va-hieu-qua.
- BibTeX:
@misc{dammio,
author = {Dammio},
title = {Các phương pháp phòng chống virus máy tính Windows đơn giản và hiệu quả},
year = {2018},
url = {https://www.dammio.com/2018/07/23/cac-phuong-phap-phong-chong-virus-may-tinh-windows-don-gian-va-hieu-qua},
urldate = {2024-10-29}
}