Kết nối

[WordPress] Phần 1: Giới thiệu WordPress

1.232 lượt xem 
 Cập nhật lần cuối: 04/05/2019 lúc 15:12:39
Thể loại: WordPress 

WordPress là một hệ quản trị nội dung mã nguồn mở và miễn phí, được xây dựng bằng ngôn ngữ PHP và cơ sở dữ liệu MySQL. WordPress được dùng chủ yếu để phát triển trang blog, tuy nhiên còn được áp dụng để xây dựng và tích hợp rất tốt cho các dạng web khác như diễn đàn, website tin tức, cửa hàng điện tử (B2C), trang rao vặt, buôn bán bất động sản, website giới thiệu doanh nghiệp, phòng trưng bày đa phương tiện, e-learning,…

Matt Mullenweg và Mike Little đã phát hành WordPress phiên bản đầu tiên vào ngày 27 tháng 05 năm 2003 dưới dạng bản quyền GPLv2+ (từ phiên bản 2 trở về sau). Tính đến tháng 04 năm 2019, WordPress là mã nguồn được áp dụng cho hơn 60 triệu website khiến WordPress trở thành mã nguồn quản lý nội dung website phổ biến nhất hiện nay.

WordPress cho phép bạn dễ dàng tạo và quản lý nội dung website mà không cần phải viết mã nguồn và có thể dùng để tạo một website với đầy đủ các chức năng cần thiết. Do đó, WordPress thu hút rất nhiều người mới tham gia, kể cả những người không hề am hiểu về lập trình và phát triển ứng dụng Web.

Tính năng của WordPress

Với tư cách là một hệ quản trị nội dung (CMS), WordPress chú trọng vào việc quản lý nội dung và quản lý phiên bản nội dung. Nội dung WordPress gồm một số loại như văn bản, hình ảnh, tập tin, video, audio, tài liệu văn phòng,… WordPress mặc dù có khả năng quản lý, tùy biến người dùng theo nhóm và phân quyền nội dung theo người dùng, tuy nhiên không phải là tốt nhất nếu so sánh với các CMS khác như Joomla do cách tiếp cận của WordPress chỉ dùng cho website dạng blog với ít người dùng và nhóm người dùng.

Tính năng bảo mật cũng hoạt động khá tốt ở WordPress.

Tính năng quan trọng nhất của WordPress là cho phép người dùng tạo một website nội dung động mà không cần bất cứ kiến thức nào về lập trình. WordPress chứa tính năng theme cho phép quản trị viên xây dựng và tùy biến giao diện website theo nhu cầu của khách hàng. Kèm theo đó là tính năng plugin với kho plugin có số lượng khổng lồ giúp bạn có thể tích hợp bất cứ chức năng nào vào website.

Tính năng tối ưu hóa nội dung (SEO) và dữ liệu ngữ nghĩa (semantic data) giúp các cơ chế tìm kiếm (Google) hiểu rõ cấu trúc nội dung, hệ thống từ khóa hơn do đó tạo cơ hội bài viết nội dung website của bạn ở top đầu tìm kiếm nhiều hơn. WordPress cũng có tính năng đa ngữ, bạn có thể sử dụng WordPress để xây dựng website đa ngôn ngữ, về mặt giao diện lẫn nội dung. Ngoài ra, WordPress còn có rất nhiều tính năng khác và bạn sẽ dần nhận ra trong quá trình tìm hiểu về WordPress trong loạt bài viết này.

Liên quan:  So sánh WordPress và Weebly? Nên chọn cái nào?

Cài đặt và phát triển website bằng WordPress

Để cài đặt và phát triển website bằng WordPress, bạn có 4 lựa chọn chính:

  • Lựa chọn 1. Cài đặt WordPress trên máy chủ cục bộ, thường dùng server Apache và MySQL, đều có kèm trong gói XAMPP hoặc WAMPP. Cách này thường dùng để xây dựng website, kiểm thử website sau đó mới upload lên server thật hoặc dùng với mục đích nội bộ.
  • Lựa chọn 2. Mua hosting PHP hoặc hosting hỗ trợ WordPress và MySQL, sau đó cài đặt WordPress lên hosting này. Cách này dùng để triển khai ứng dụng web trên thực tế và đòi hỏi bạn phải am hiểu 1 số kiến thức về thiết lập tên miền (domain), upload/download dữ liệu lên hosting, cấu hình hosting,…
  • Lựa chọn 3. Bạn có thể xây dựng website WordPress tự động dựa trên hạ tầng những công ty cung cấp dịch vụ WordPress như WordPress.com. Việc bạn cần làm là đăng ký tài khoản, khai báo thông tin website và hệ thống server sẽ tự cài đặt mọi thứ cho bạn. Phương pháp này không cần đòi hỏi bạn phải am hiểu kỹ thuật về hosting/server, tuy nhiên khả năng tùy biến và mở rộng website bị bó buộc và tuân theo chính sách của các công ty cung cấp dịch vụ.
  • Lựa chọn 4. Lựa chọn công ty phần mềm phát triển ứng dụng website cho bạn hoặc ai đó am hiểu và triển khai lên host như phương pháp 2. Cách này thì bạn chỉ cần trả tiền và trải qua khóa đào tạo để quản lý website cơ bản để có thể tự phát triển nội dung website cho riêng. Nhược điểm cách này thì vô số, bạn có thể phải trả tiền và bị phụ thuộc vào công ty/cá nhân xây dựng website vì bạn không rành bất cứ vấn đề gì cả.
XAMPP là gói nên cài đặt nếu bạn muốn triển khai WordPress và các ứng dụng viết bằng PHP.

Để trở thành một chuyên gia xây dựng và phát triển website chuyên nghiệp, DAMMIO khuyên bạn phải học về WordPress và chỉ nên thử Lựa chọn 1 và Lựa chọn 2 phía trên.

Điều kiện cần để tham gia khóa học WordPress

Mặc dù bất kể ai chưa có kinh nghiệm đều có thể tham gia khóa học về WordPress, tuy nhiên tốt nhất bạn nên có 1 số kỹ năng để giúp quá trình học nhanh hơn và dễ hiểu hơn về các kiến thức liên quan. Bạn phải nắm kiến thức cơ bản về HTML5, CSS3, JavaScript và JQuery. Đồng thời bạn phải học sơ qua ngôn ngữ lập trình PHP (biến, hàm, mệnh đề điều kiện, form, session, cookies,…) cũng như cơ sở dữ liệu MySQL (tạo cơ sở dữ liệu, bảng, mối quan hệ, truy vấn dữ liệu,…) Nếu bạn có xuất phát điểm là con số 0, đừng lo lắng gì cả, bạn vẫn có thể học tốt về WordPress. Nào mời bạn bắt đầu!

Trích dẫn bài viết
  • APA:
    Dammio. (2019). [WordPress] Phần 1: Giới thiệu WordPress. https://www.dammio.com/2019/05/03/wordpress-phan-1-gioi-thieu-wordpress.
  • BibTeX:
    @misc{dammio,
    author = {Dammio},
    title = {[WordPress] Phần 1: Giới thiệu WordPress},
    year = {2019},
    url = {https://www.dammio.com/2019/05/03/wordpress-phan-1-gioi-thieu-wordpress},
    urldate = {2024-10-08}
    }
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x